Trong mọi trường hợp, sức khoẻ luôn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, ở lứa tuổi teen, các em thường không mấy chú trọng và cha mẹ chính là người luôn kề tai nhắc nhở. Khi con không còn ở bên cạnh, việc chăm sóc sức khoẻ cho con trở nên khó khăn hơn gấp bội. Vậy làm thế nào để có thể chăm sóc cho con đầy đủ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần?
Thể chất
Không phải ngẫu nhiên mà người dân ở các nước phát triển ngày càng chú trọng đến sức khoẻ bản thân. Ý thức tập luyện thể thao của họ rất cao và chế độ ăn uống thường rất khoa học. Ở trường học, các em được khuyến khích tập thể thao rất nhiều. Bởi chơi thể thao là cách hay nhất để giữ cơ thể khoẻ mạnh.
Ngay từ những ngày đầu đi học, trong buổi Orientation, các em sẽ được giới thiệu về các câu lạc bộ thể thao của trường cũng như được khuyến khích tập luyện miễn phí tại phòng tập của trường. Cha mẹ nên hướng cho con mình chơi ít nhất một môn thể thao mà con thích và động viên con tập luyện thường xuyên. Nếu được thì nên tham gia vào câu lạc bộ nào đó để con có lịch sinh hoạt đều đặn. Nhất là vào mùa đông, những môn thể thao ngoài trời bị hạn chế bởi thời tiết, các em cũng nên tập những môn thể thao trong nhà để khiến bản thân bận rộn và tự cho mình lý do để ra đường trong những ngày “chỉ muốn trùm mền ngủ ở nhà.”
Ở Canada, do đặc điểm thời tiết nên có rất nhiều môn thể thao trong nhà có thể chơi quanh năm như bơi lội, trượt băng, hockey (môn thể thao yêu thích của người Canada), curling, bóng đá… Trượt tuyết cũng là một môn thể thao thú vị và mới mẻ đối với du học sinh từ Việt Nam. Ngoài việc tốt cho sức khoẻ, theo ý kiến cá nhân tôi, trượt tuyết còn có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó giúp người chơi vượt qua nỗi sợ mỗi khi mùa đông tới. Thay vào đó họ trông chờ tuyết rơi để được chơi thoả thích!
Việc chơi thể thao thường xuyên không chỉ giúp con duy trì cơ thể khoẻ mạnh hay vẻ đẹp hình thể mà còn là cơ hội tốt giúp con mở rộng các mối quan hệ với những bạn bè đồng trang lứa có lối sống lành mạnh. Trường hợp ở trường không có môn thể thao phù hợp, các em có thể tham gia tập luyện ở các community center gần nơi ở của mình. Đa số những nơi này đều có biểu phí ưu đãi cho học sinh sinh viên.
Sức khoẻ tinh thần
Như đã nói ở bài trước, một tinh thần phấn chấn có thể giúp con vượt qua mọi trở ngại. Sức khoẻ tinh thần được nhà trường đặc biệt lưu ý và dặn dò các em du học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường. Tại một trường phổ thông mà tôi có dịp dự buổi orientation cho học sinh quốc tế họ đã dặn các em rằng: “nếu các em thấy 2, 3 ngày liên tục mà buổi sáng không muốn thức dậy đi học thì các em cần nói ngay với các thầy/ cô counsellor, bởi đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Chúng tôi sẽ cố hết sức mình để giúp các em. Chỉ cần cho chúng tôi biết.”
Bệnh trầm cảm không phải là hiếm gặp ở du học sinh, đặc biệt là vào mùa đông. Ở Việt Nam, khái niệm này còn khá xa lạ nhưng ở Canada, bệnh này được đặc biệt quan tâm ở mọi lứa tuổi. Tôi đã gặp vài em không may mắc phải chứng này và cuối cùng đành bỏ dở việc học quay về với gia đình. Theo nhận xét của cá nhân tôi, những em đã quen với lối sống gia đình đông đúc, họ hàng quay quần bên nhau thường sẽ cảm thấy cô đơn và mất nhiều thời gian để quen với cuộc sống mới hơn. Cách tốt nhất để tránh trầm cảm là giữ cho bản thân luôn bận rộn, tham gia các câu lạc bộ trong trường học và các hoạt động tình nguyên là giải pháp rất tốt.
Đối với du học sinh, trong thời gian đầu, sau những háo hức, tò mò chính là cảm giác cô đơn vì nhớ gia đình, ít bạn bè thân thiết, thiếu thốn tình cảm và những hỗ trợ thường ngày… Trong thời gian này, cha mẹ nên thường xuyên giữ liên lạc với con để kịp thời biết được những nhu cầu cần thiết cũng như phát hiện sớm những thay đổi tiêu cực về mặt tâm lý nếu có. Không nên quá thúc ép dẫn đến gây áp lực cho con trong chuyện học hành, điểm của học kỳ đầu nếu không tốt như mong đợi thì cũng là điều dễ hiểu (nhưng đa phần các em đều thấy chương trình phổ thông là dễ thở nếu không bị cản trở quá nhiều về ngôn ngữ). Thay vào đó, nên theo sát và giúp đỡ con khi cần. Cũng xin nói thêm rằng, các thầy cô ở trường thường luôn sẵn lòng hỗ trợ học sinh. Chỗ nào không hiểu học sinh có thể hỏi ngay trong lớp học ngoài giờ học. Kết quả học tập tất nhiên rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng phản ứng của cha mẹ với kết quả đó! Nên nhớ, con còn nhiều cơ hội để khắc phục. Đừng gây thêm sức ép làm tổn thương tinh thần con mình.
Tóm lại, không có bí quyết gì quá to lớn, để con có được tinh thần và thể chất khoẻ mạnh cha mẹ cần khuyến khích và giúp đỡ con mình thiết kế “lịch làm việc” hàng ngày hợp lý, cân bằng giữa việc học và giải trí. Một thời gian biểu bận rộn với nhiều cơ hội giao tiếp với cộng đồng chính là phương pháp hữu hiệu nhất giúp con vượt qua cảm giác cô đơn nơi đất khách cũng như có lối sống lạc quan yêu đời hơn và tránh mắc phải trầm cảm.